BẢO MẬT THIẾT BỊ

Bảo mật vật lý và bảo mật thiết bị đầu cuối

Bảo mật vật lý và bảo mật thiết bị đầu cuối (endpoint security) là hai khía cạnh không thể tách rời trong chiến lược bảo vệ hệ thống thông tin, nơi mà các biện pháp bảo mật được tích hợp vào các thiết bị công nghệ thông tin ở mọi điểm cuối của mạng lưới. Định nghĩa về điểm cuối đã được mở rộng với việc bổ sung các thiết bị Internet vạn vật (IoT) vào mạng của chúng ta bao gồm đầu đọc thẻ, camera an ninh và thậm chí cả các hệ thống tưới cây tự động vì mọi thứ đều được hỗ trợ IP và kết nối mạng Các thiết bị điểm cuối ngày càng tăng lên với số lượng lớn và vô cùng đa dạng, phổ biến có thể kể đến như máy tính để bàn, laptop, máy chủ, thiết bị di động, ổ lưu trữ USB, thiết bị Bluetooth, máy đọc mã vạch, và các thiết bị bán hàng.

Tổng quát về bảo mật vật lý và bảo mật điểm cuối 

Trước khi đi vào tìm hiểu các phương pháp bảo mật cụ thể của cả hai phương pháp thì cần có sự phân biệt về định nghĩa giữa chúng.

Định nghĩa và tầm quan trọng của bảo mật vật lý

Định nghĩa bảo mật vật lý 

Bảo mật vật lý liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng, thiết bị và tài sản khỏi các mối đe dọa từ môi trường bên ngoài, như thiên tai, cháy nổ, hay sự xâm nhập trái phép. Nó bao gồm các biện pháp như khóa cửa, camera giám sát, cảm biến và kiểm soát truy cập để đảm bảo rằng chỉ những người có quyền hạn mới có thể tiếp cận các khu vực hoặc tài nguyên quan trọng. Khi nói đến an ninh trong doanh nghiệp, tầm quan trọng của mạng lưới an ninh vật lý là không thể bàn cãi. Nó giúp bảo vệ các tài sản hữu hình đến đảm bảo sự an toàn cho toàn bộ nhân viên trong công ty, các biện pháp an ninh vật lý giúp doanh nghiệp chống lại nhiều mối đe dọa trong thực tế.
Tầm quan trọng của bảo mật vật lý
Với bảo mật vật lý thì việc ưu tiên các tiêu chí sau sẽ làm nổi bật lên tầm quan trọng của chúng.
  • Bảo vệ tài sản:
    • Các giải pháp bảo mật vật lý như camera giám sát, hệ thống cảm biến báo động, và kiểm soát truy cập đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản khỏi các mối đe dọa như trộm cắp, xâm nhập trái phép, hoặc hành vi phá hoại.
    • Hệ thống bảo mật này tạo ra một lớp phòng vệ trực quan và hữu hình, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra hành vi phạm tội. Trong trường hợp xảy ra vi phạm, các hệ thống này cho phép phát hiện nhanh chóng, hỗ trợ xử lý kịp thời, từ đó giảm thiểu thiệt hại tiềm năng.
    • Việc bảo vệ hiệu quả các tài sản vật lý, bao gồm thiết bị, hàng hóa và cơ sở hạ tầng, không chỉ đảm bảo tính liên tục của hoạt động kinh doanh mà còn giúp duy trì sự ổn định về mặt tài chính cho doanh nghiệp.
  • An toàn cho nhân viên:
    • Nhân viên là nguồn lực quan trọng nhất của mọi tổ chức, do đó, việc đảm bảo an toàn thể chất cho họ là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ môi trường làm việc nào.
    • Các biện pháp bảo mật vật lý như lối vào an toàn, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, và quy trình ứng phó khẩn cấp đóng vai trò ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ tiềm ẩn, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc an toàn và đáng tin cậy.
    • Khi cảm thấy được bảo vệ, nhân viên không chỉ cải thiện năng suất làm việc mà còn tăng mức độ gắn bó và trung thành với tổ chức, góp phần trực tiếp vào sự phát triển và thành công bền vững của doanh nghiệp.
  • Tuân thủ quy định:
    • Trong hầu hết các ngành nghề, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt liên quan đến an ninh và bảo mật. Việc triển khai các hệ thống bảo mật vật lý không chỉ thể hiện cam kết của doanh nghiệp trong việc bảo vệ tài sản và con người mà còn đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý hiện hành.
    • Sự tuân thủ này không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro pháp lý mà còn góp phần nâng cao danh tiếng, tăng cường sự tin tưởng từ phía khách hàng và đối tác, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong ngành.

BẢO MẬT THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI

Định nghĩa và tầm quan trọng của bảo mật thiết bị đầu cuối

Định nghĩa bảo mật thiết bị đầu cuối

Bảo mật điểm cuối là quá trình bảo vệ các điểm cuối hay các thiết bị kết nối với mạng, như máy tính để bàn, laptop, smartphone khỏi các cuộc tấn công. Nó cũng có thể bao gồm việc cảnh báo và ngăn chặn các hành vi của người dùng trong hệ thống mà có thể khiến thiết bị điểm cuối bị tấn công mạng hoặc bị nhiễm phần mềm độc hại cho các mục đích xấu như tống tiền, lừa đảo. Các dịch vụ này có thể bao gồm dịch vụ chống vi-rút, lọc email, lọc web và tường lửa.
Nếu thiếu các biện pháp bảo vệ thiết bị đầu cuối, doanh nghiệp có nguy cơ mất quyền kiểm soát đối với những dữ liệu quan trọng, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của tổ chức đó. Bên cạnh đó, các cuộc tấn công lặp lại có thể gây ra thời gian gián đoạn kéo dài, làm tăng chi phí vận hành và buộc doanh nghiệp phải tiêu tốn nguồn lực để khắc phục sự cố thay vì tập trung vào các mục tiêu kinh doanh cốt lõi.
Tầm quan trọng của bảo mật thiết bị đầu cuối:
  • Bảo mật thiết bị đầu cuối (endpoint security) là yếu tố không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở mọi quy mô, bởi các thiết bị đầu cuối thường là mắt xích dễ bị tổn thương nhất trong chuỗi bảo mật tổng thể. Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi, các chiến thuật tấn công của chúng không ngừng phát triển nhằm khai thác điểm yếu trong hệ thống, từ việc lợi dụng nhân viên cho đến xâm nhập mạng và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm.
  • Một quan niệm sai lầm phổ biến ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là họ không phải là mục tiêu do quy mô nhỏ. Trên thực tế, các doanh nghiệp này thường trở thành đối tượng ưu tiên của tội phạm mạng vì chúng giả định rằng các công ty nhỏ không có đủ nguồn lực để triển khai các biện pháp bảo mật đầy đủ. Các nghiên cứu cho thấy hơn 40% các cuộc tấn công mạng nhắm vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tỷ lệ thành công cao hơn đáng kể khi hệ thống bảo mật không được củng cố.
  • Bảo mật điểm cuối không chỉ cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công từ bên ngoài mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa nội bộ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh làm việc từ xa ngày càng phổ biến, nơi các thiết bị cá nhân của nhân viên thường được sử dụng để truy cập vào hệ thống doanh nghiệp.
Dù là một doanh nghiệp nhỏ với chỉ dưới 15 nhân viên hay đã là một tập đoàn toàn cầu với hàng nghìn thiết bị đầu cuối thì việc đầu tư vào các dịch vụ bảo mật điểm cuối đáng tin cậy lại là điều bắt buộc được đặt ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp bảo vệ dữ liệu kinh doanh nhạy cảm mà còn củng cố lòng tin của khách hàng và đối tác, đồng thời đảm bảo tính liên tục trong vận hành tránh gặp phải các rủi ro ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các doanh nghiệp.
Tóm lại, cả hai loại bảo mật này đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tổ chức khỏi các mối đe dọa bên ngoài và bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giúp đảm bảo sự an toàn và ổn định trong môi trường công nghệ ngày nay.

Các biện pháp bảo mật vật lý 

Khóa và thẻ từ

Khóa bảo mật

Trong tiềm thức của chúng ta thì khóa Danh từ Đồ dùng bằng kim loại để đóng chặt cửa, tủ, hòm, v.v., không cho người khác mở. Hiện nay khi công nghệ  càng phát triển thì khóa trở nên đa dạng hơn bao gồm khóa cơ học, khóa điện từ, khóa từ xa:

  • 1. Khóa cơ học: loại khóa truyền thống được sử dụng rộng rãi nhờ chi phí thấp và dễ sử dụng. Một số loại khóa cơ học phổ biến:
    • Khóa pin tumbler: Cấu tạo từ các chốt nhỏ, mở bằng chìa khóa. Phổ biến trong gia đình và văn phòng.
    • Khóa bi: Cơ chế hoạt động dựa trên các bi tròn trong ổ khóa, khó mở bằng dụng cụ đơn giản như kẹp tăm. Đây là lựa chọn lý tưởng cho cửa chính nhờ khả năng chống phá khóa cao
    • Khóa chống cắt, chống khoan: Được thiết kế với vật liệu đặc biệt (thép cứng, hợp kim), giúp tăng độ an toàn trước các hành vi cắt phá hoặc khoan ổ khóa
  • 2. Khóa điện tử hiện đại tích hợp công nghệ tiên tiến, không cần chìa khóa vật lý. Một số loại phổ biến:
    • Khóa mã PIN: Nhập mã số để mở cửa, thường sử dụng trong các văn phòng hoặc căn hộ.
    • Khóa vân tay: Sử dụng dấu vân tay làm chìa khóa, tăng cường bảo mật cá nhân.
    • Khóa nhận diện khuôn mặt: Tích hợp AI, chỉ mở cửa khi nhận diện đúng khuôn mặt người dùng đã đăng ký.
  • 3. Khóa thông minh (Smart Lock) là xu hướng mới, cho phép người dùng điều khiển qua ứng dụng trên điện thoại. Một số tính năng nổi bật:
    • Mở khóa từ xa qua kết nối Bluetooth hoặc Wi-Fi.
    • Theo dõi lịch sử mở cửa và nhận thông báo nếu có truy cập bất thường.
    • Tích hợp với các hệ thống nhà thông minh (IoT), như Google Home hoặc Amazon Alexa.

Thẻ từ

Thẻ từ là một loại thẻ nhựa tích hợp dải băng từ màu đen, được dùng để lưu trữ thông tin dưới dạng các ký tự và con số một cách bảo mật. Mỗi thẻ được mã hóa và thiết kế riêng cho từng cá nhân, giúp lưu trữ thông tin cá nhân và các dịch vụ liên quan.
Thẻ từ thường được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, như:
  • Máy chấm công: Quẹt thẻ để ghi nhận giờ làm việc của nhân viên một cách nhanh chóng và chính xác.
  • Thang máy: Kiểm soát quyền truy cập các tầng theo phân quyền.
  • Bãi đỗ xe: Xác minh và quản lý phương tiện ra vào.
  • Điểm danh: Hỗ trợ các tổ chức theo dõi và quản lý số lượng người tham gia sự kiện.
Ngoài ra, thẻ từ còn giúp doanh nghiệp quản lý thông tin nhân viên hiệu quả hơn,  tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành. Sự tiện lợi và đa năng của thẻ từ làm cho nó trở thành công cụ không thể thiếu trong quản lý hiện đại. Thẻ từ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như chi phí sản xuất thấp, thao tác sử dụng đơn giản và khả năng tương thích cao với các thiết bị đọc thẻ. Tuy nhiên, loại thẻ này cũng tồn tại một số hạn chế. Dải băng từ trên thẻ dễ bị trầy xước hoặc hư hỏng theo thời gian, làm mất dữ liệu và gây khó khăn cho người dùng. Ngoài ra, thẻ từ có nguy cơ cao bị sao chép hoặc làm giả, dẫn đến những rủi ro nghiêm trọng về bảo mật. Vì những nhược điểm này, nhiều doanh nghiệp và tổ chức đang chuyển hướng sang sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn, như thẻ chip hoặc thẻ thông minh, để tăng cường độ an toàn và độ bền trong quản lý truy cập.
bảo mật thiết bị đầu cuối

Camera giám sát (CCTV)

Ngày nay, việc đảm bảo an ninh và nhu cầu giám sát trở thành ưu tiên hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Để đáp ứng yêu cầu này, các hệ thống giám sát đã được nâng cấp với những công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ an toàn, hệ thống giám sát còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý và vận hành tại các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống CCTV (camera quan sát) nổi bật là một giải pháp hiện đại, tích hợp nhiều thiết bị an ninh tiên tiến.
Định nghĩa và công dụng của Camera giám sát 
CCTV (Closed-Circuit Television) là hệ thống truyền hình mạch kín, sử dụng camera để giám sát và ghi lại hình ảnh tại các khu vực cụ thể. Hệ thống này không phát sóng công khai mà chỉ truyền tín hiệu đến một số thiết bị giới hạn, như màn hình giám sát hoặc hệ thống lưu trữ.
Hệ thống CCTV được thiết kế nhằm mục đích ngăn ngừa và phát hiện tội phạm, đồng thời tạo cảm giác an toàn cho cộng đồng. Các camera thường được lắp đặt tại những khu vực công cộng với nhiều lợi ích như:
  • Hỗ trợ điều tra: Cung cấp bằng chứng hình ảnh cho cơ quan thực thi pháp luật.
  • Duy trì trật tự: Góp phần giảm thiểu hành vi gây rối hoặc vi phạm pháp luật.
  • Ngăn chặn tội phạm: Làm giảm ý định thực hiện hành vi xấu nhờ vào sự giám sát liên tục.
  • Mang lại an tâm: Tăng cường sự an toàn cho cộng đồng nói chung và nhân viên trong các doanh nghiệp nói riêng.
  • Thúc đẩy kinh tế: Giúp môi trường kinh doanh an toàn và ổn định hơn.

CCTV ghi lại hình ảnh 24/7 và được giám sát bởi các nhân viên trong phòng điều hành. Khi phát hiện hoạt động đáng ngờ, họ có thể nhanh chóng thông báo cho lực lượng cảnh sát để xử lý kịp thời.

Phân loại camera theo cách kết nối
Camera thường được phân loại theo cách cách nối thành các loại như sau:
  • Camera có dây:
    • Kết nối: Sử dụng cáp vật lý (cáp Ethernet hoặc cáp đồng trục) để truyền dữ liệu và hình ảnh về trung tâm giám sát.
    • Ưu điểm: Ổn định, khó bị can thiệp và phù hợp với môi trường yêu cầu an ninh cao.
    • Nhược điểm: Tốn kém chi phí lắp đặt, thiếu linh hoạt khi thay đổi vị trí.
    • Ứng dụng phổ biến: Camera IP có hỗ trợ PoE (Power-over-Ethernet), giảm số lượng dây cáp cần thiết bằng cách truyền cả dữ liệu và nguồn điện qua một cáp duy nhất.
  • Camera không dây:
    • Kết nối: Truyền dữ liệu qua Wi-Fi, dễ dàng lắp đặt ở bất kỳ đâu. Một số loại dùng pin, mang lại tính linh hoạt cao hơn.
    • Ưu điểm: Linh hoạt, không cần cáp phức tạp, tiết kiệm chi phí lắp đặt.
    • Nhược điểm: Dễ bị can thiệp tín hiệu và yêu cầu bảo mật mạng cao để tránh rò rỉ dữ liệu.
    • Ứng dụng phù hợp: Các không gian nhỏ hoặc nơi khó lắp đặt hệ thống cáp.
  • Camera IP:
    • Kết nối: Truyền dữ liệu qua Internet, có thể là loại có dây hoặc không dây.
    • Ưu điểm: Cho phép giám sát trực tiếp 24/7 từ mọi nơi qua thiết bị thông minh, dữ liệu được xử lý ngay trong camera.
    • Nhược điểm: Có nguy cơ bị tấn công mạng, yêu cầu mã hóa dữ liệu để đảm bảo an toàn.
Các xu hướng CCTV trong tương lai
Trong tương lai khi mà AI và Cloud trở nên vô cùng phát triển trong cuộc sống con người thì xu hướng của CCTV cũng thay đổi theo các xu hướng công nghệ bao gồm:
  • AI và phân tích video dự đoán: AI đang cách mạng hóa lĩnh vực CCTV bằng cách mở rộng chức năng từ giám sát truyền thống sang phân tích dữ liệu thông minh. Các hệ thống sử dụng AI có thể thu thập thông tin video, phân tích dữ liệu và mô phỏng các kịch bản dự đoán. Công nghệ này hiện đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thành phố thông minh, bán lẻ, sản xuất, logistics và y tế để tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, AI còn giúp ngăn ngừa các tai nạn và tăng cường an toàn trong môi trường làm việc.
  • Tuân thủ quy định về quyền riêng tư: Sự phức tạp trong hệ thống CCTV hiện đại và lượng dữ liệu ngày càng tăng đòi hỏi các tổ chức phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về quyền riêng tư. Ngày càng nhiều quốc gia áp dụng luật bảo vệ người dùng, yêu cầu các doanh nghiệp quản lý dữ liệu một cách an toàn và có trách nhiệm. Điều này không chỉ đảm bảo việc sử dụng hợp pháp thông tin giám sát mà còn tăng cường niềm tin từ phía khách hàng và cộng đồng.
  • Tăng cường ứng dụng điện toán đám mây: Việc sử dụng điện toán đám mây trong quản lý CCTV ngày càng trở nên phổ biến, mang lại sự linh hoạt vượt trội. Doanh nghiệp có thể truy cập và quản lý dữ liệu từ xa một cách an toàn nhờ vào lưu trữ phân tán trên các máy chủ đám mây. Ngoài ra, việc phân phối dữ liệu trên nhiều máy chủ còn giúp bảo vệ dữ liệu khỏi các sự cố như mất điện hoặc hỏng hóc phần cứng, đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống giám sát
  • Tăng cường ứng dụng điện toán đám mây: Nhờ sự hỗ trợ của AI và học sâu, các hệ thống CCTV hiện đại có khả năng nhận diện đối tượng trong thời gian thực và cung cấp các phân tích chi tiết hơn. Công nghệ này không chỉ giúp tăng cường bảo mật mà còn hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi khách hàng, cải thiện hiệu quả vận hành và phát hiện các rủi ro tiềm ẩn một cách nhanh chóng và chính xác.
  • Phân tích sự kiện và vụ việc chi tiết: Một trong những xu hướng nổi bật của CCTV trong tương lai là khả năng phân tích sự kiện và vụ việc chi tiết. Hệ thống tiên tiến có thể tự động phát hiện các sự kiện phức tạp, cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động, hành vi và các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn. Điều này cho phép các tổ chức chủ động hơn trong việc quản lý sự cố, tối ưu hóa nguồn lực và xây dựng các chiến lược phản ứng hiệu quả hơn.
  • Kết hợp IoT và CCTV: Sự kết hợp giữa IoT và CCTV đang mở ra nhiều cơ hội mới trong việc giám sát và quản lý môi trường. Bằng cách tích hợp các cảm biến IoT như cảm biến môi trường, kiểm soát truy cập và quản lý đám đông, hệ thống CCTV có thể cung cấp một bức tranh toàn diện hơn về các không gian giám sát.

Bảo mật thiết bị đầu cuối

Cảm biến

Theo định nghĩa Wikipedia, cảm biến là một thiết bị, mô-đun, máy móc hoặc hệ thống nhằm phát hiện các sự kiện hoặc thay đổi trong môi trường và chuyển đổi chúng thành tín hiệu có thể được sử dụng để gửi thông tin tới các thiết bị điện tử khác, thường là một bộ xử lý máy tính.
Vai trò
Cảm biến nhiệt độ, chuyển động và âm thanh đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các sự cố như cháy nổ, trộm cắp hoặc đột nhập trái phép. Khi được tích hợp với hệ thống cảnh báo, cảm biến có thể tự động kích hoạt loa báo động hoặc gửi tin nhắn cảnh báo đến người quản lý để đảm bảo phản ứng kịp thời. Những thiết bị này giúp tăng cường an ninh và giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Phân loại
  • Cảm biến nhiệt độ phát hiện sự gia tăng nhiệt độ đột ngột và kích hoạt các hệ thống chữa cháy tự động như phun nước. Đây là giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa cháy lan rộng trong môi trường công nghiệp và văn phòng.
  • Cảm biến chuyển động nhận diện những chuyển động bất thường trong các khu vực không có người, đặc biệt vào ban đêm, để cảnh báo về các hoạt động đáng ngờ.
  • Cảm biến âm thanh được thiết kế để phát hiện các âm thanh đặc biệt như tiếng kính vỡ hoặc tiếng phá khóa. Khi phát hiện những dấu hiệu này, hệ thống cảnh báo có thể ngay lập tức báo động để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập.
Ứng dụng của cảm biến trong bảo mật
Cảm biến được ứng dụng rộng rãi trong việc kiểm soát truy cập và phát hiện hoạt động khả nghi. Trong các hệ thống kiểm soát truy cập, cảm biến chuyển động tại cửa ra vào sẽ chỉ kích hoạt khi phát hiện người di chuyển hợp lệ, giúp ngăn chặn những người không được phép. Ngoài ra, cảm biến chuyển động và âm thanh có thể được tích hợp với camera giám sát để tăng cường an ninh. Ví dụ, khi cảm biến chuyển động phát hiện bất thường vào ban đêm, hệ thống camera sẽ tự động xoay đến khu vực đó, ghi lại hình ảnh và gửi cảnh báo đến người quản lý.

Các phương pháp bảo mật điểm cuối

Antivirus/Antimalware

Một hệ thống bảo mật điểm cuối hiệu quả bao gồm phần mềm diệt virut (Anti-virus) và phần mềm chống mã độc (Anti-malware):
  • Anti-Virus Software (Phần mềm diệt vi-rút): là một công cụ giúp quét, phát hiện và loại bỏ vi-rút khỏi hệ thống. Sau khi cài đặt, hầu hết phần mềm diệt vi-rút sẽ tự động chạy ở chế độ nền để cung cấp khả năng bảo vệ theo thời gian thực chống lại các cuộc tấn công của vi-rút. Nó có khả năng tự nhân bản và lây lan khắp hệ thống máy tính, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng như là có thể phá hủy các tệp, làm gián đoạn hoạt động của chương trình và thậm chí mở cửa cho tin tặc xâm nhập, từ đó đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc kiểm soát hệ thống.
  • Anti-Malware Software (Phần mềm chống mã độc): là công cụ chống mã độc hoạt động bằng cách bảo vệ dữ liệu của người dùng khỏi các loại phần mềm độc hại (malware) và tệp tin có chứa mã độc. Phần mềm này thực hiện quá trình quét thiết bị để ngăn chặn và loại bỏ mã độc khỏi hệ thống. Được phát triển để bảo vệ máy tính khỏi nhiều loại mã độc khác nhau, phần mềm chống mã độc có thể bảo vệ bạn khỏi các mối đe dọa như Trojan mới, phần mềm quảng cáo (adware), ransomware, phần mềm gián điệp (spyware), keylogger, tấn công lừa đảo (phishing), và sâu máy tính (worms).
Anti-Virus hoạt động như nào?
Các kỹ thuật phát hiện phần mềm độc hại để phát hiện và xử lý các mối đe dọa, đảm bảo khả năng bảo vệ toàn diện cho người dùng và được sử dụng bởi các công cụ diệt vi-rút có thể được phân loại phổ biến như sau:
  • Phát hiện dựa trên hành vi (Behavior-Based Detection): Phương pháp này cố gắng phân tích hành vi hoặc ý định của tệp hoặc chương trình đáng ngờ chẳng hạn như giải nén mã độc, sửa đổi tệp máy chủ hoặc quan sát các lần nhấn phím để xác định xem nó có hoạt động độc hại hay không. Thay vì dựa vào chữ ký đã biết, nó theo dõi hành động của các đối tượng trong thời gian thực. Nếu hành vi của một tệp hoặc chương trình không được phép hoặc đáng ngờ, phần mềm sẽ đánh dấu nó là mối đe dọa tiềm ẩn. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với các cuộc tấn công kiểu “zero-day” hoặc phần mềm độc hại mới.
  • Phát hiện dựa trên phân tích heuristic (Heuristic-Based Detection): Phân tích heuristic hoạt động bằng cách so sánh các đặc điểm của đối tượng với các vấn đề đã được phát hiện trước đó. Bằng cách tìm kiếm các mẫu hoặc hành vi bất thường tương tự như phần mềm độc hại đã biết, phương pháp này có thể gắn cờ các đối tượng là đáng nghi, ngay cả khi chúng không trùng khớp hoàn toàn với bất kỳ mối đe dọa đã nhận diện nào. Đây là cách tiếp cận chủ động giúp phát hiện các rủi ro tiềm ẩn chưa được ghi nhận. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp tìm kiếm là nó có thể vô tình đánh dấu các tệp hợp lệ là độc hại.
  • Phát hiện dựa trên chữ ký (Signature-Based Detection): Đây là phương pháp truyền thống dựa trên cơ sở dữ liệu chữ ký của các phần mềm độc hại đã biết. Khi quét tệp hoặc chương trình, phần mềm kiểm tra đối tượng với các chữ ký này để tìm kiếm các mẫu cụ thể liên quan đến phần mềm độc hại. Nếu tìm thấy sự trùng khớp, đối tượng sẽ bị gắn cờ là mối đe dọa. Phương pháp này hiệu quả với các mối đe dọa đã biết nhưng kém hiệu quả hơn trong việc phát hiện phần mềm độc hại mới hoặc chưa rõ. Với nhược điểm này thì các hacker có thể thường xuyên thay đổi các phần mềm độc hại của mình để duy trì chức năng độc hại bằng cách thay đổi chữ ký của tệp.
  • Danh sách trắng ứng dụng (Application Whitelisting): Kỹ thuật này chỉ cho phép các ứng dụng hoặc tệp đã được phê duyệt an toàn được phép chạy. Bằng cách hạn chế các chương trình không được phép hoặc không xác định, danh sách trắng ứng dụng có thể giảm đáng kể nguy cơ xâm nhập phần mềm độc hại. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc bảo vệ các thiết bị đầu cuối như điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị kết nối khác, đảm bảo chỉ có phần mềm đáng tin cậy được hoạt động trên các nền tảng này.

BẢO MẬT THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI

Phương pháp bảo mật điểm cuối Antivirus/Antimalware

Anti-Malware hoạt động như thế nào ?
Có ba kỹ thuật chính mà Anti-malware sử dụng nhiều để bảo vệ hệ thống và cơ sở hạ tầng mạng:
  • Phát hiện trong môi trường giả lập (Sandbox Detection): Phát hiện trong môi trường giả lập là một phương pháp bảo mật tiên tiến, nơi một chương trình nghi ngờ được đưa vào một môi trường ảo hóa, hay còn gọi là “sandbox”, để thực thi và theo dõi các hành vi của nó. Nếu trong môi trường này, chương trình có dấu hiệu thực hiện các hành động có thể gây hại hoặc bất thường, phần mềm diệt virus sẽ cảnh báo người dùng trước khi cho phép chương trình đó thực sự chạy trên hệ thống máy tính của họ. Phương pháp này giúp ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm ẩn mà không cần phải xác định chính xác chữ ký của phần mềm độc hại.
  • Phát hiện Mã độc dựa trên Chữ ký (Signature-Based Malware Detection): Phương pháp phát hiện dựa trên chữ ký hoạt động bằng cách so sánh các thành phần phần mềm với cơ sở dữ liệu chữ ký kỹ thuật số của mã độc đã biết. Các chữ ký này là những định danh duy nhất được tạo ra dựa trên các đặc điểm hoặc mẫu cụ thể của mã độc. Khi phần mềm hoặc tệp tin mới khớp với chữ ký có sẵn trong cơ sở dữ liệu, nó sẽ bị gắn cờ là độc hại. Phương pháp này rất hiệu quả trong việc phát hiện các loại mã độc phổ biến như phần mềm quảng cáo (adware), keylogger và một số dạng ransomware. Đây là một tuyến phòng thủ đầu tiên mạnh mẽ, cung cấp khả năng phát hiện và loại bỏ nhanh chóng các mối đe dọa đã biết. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế lớn: nó không thể phát hiện hoặc bảo vệ trước các cuộc tấn công zero-day, các mối đe dọa chưa được biết đến hoặc các mã độc sử dụng chiến lược né tránh tiên tiến như polymorphic hoặc metamorphic, có khả năng thay đổi cấu trúc để vượt qua hệ thống phát hiện.
  • Phát hiện Mã độc dựa trên Hành vi (Behavior-Based Malware Detection): Phương pháp phát hiện dựa trên hành vi đi xa hơn phân tích tĩnh bằng cách kiểm tra cách một thành phần phần mềm hoạt động trong môi trường thực hoặc môi trường giả lập. Phương pháp này phân tích các quy trình đáng ngờ đang chạy trên hệ thống để phát hiện dấu hiệu của hoạt động độc hại. Bằng cách quan sát các bất thường như truy cập tệp trái phép, kết nối mạng bất thường hoặc leo thang đặc quyền, phương pháp này xác định mã độc dựa trên hành động thay vì cấu trúc của nó. Phát hiện dựa trên hành vi thường tích hợp các thuật toán học máy (ML), giúp hệ thống nâng cao khả năng nhận diện các mối đe dọa mới bằng cách học từ dữ liệu lịch sử và thích nghi với các mẫu mới. Cách tiếp cận này đặc biệt hiệu quả với các mối đe dọa tiên tiến và chưa được biết đến, vì nó không phụ thuộc vào các chữ ký đã tồn tại. Tuy nhiên, phương pháp này có thể tạo ra các cảnh báo sai và yêu cầu nhiều tài nguyên tính toán hơn so với phát hiện dựa trên chữ ký.
Sự khác nhau giữa antivirus và antimalware
Như đã trình bày ở trên thì có thể sẽ gây nhầm lẫn cho những người mới tiếp cận các thuật ngữ này, dưới đây là bảng so sánh giữa hai loại để đưa ra cái nhìn tổng quan nhất cho Antivirus/Antimalware:
Đối tượng
Antivirus
Antimalware
Định nghĩa Phần mềm diệt vi-rút (antivirus) là một công cụ giúp quét, phát hiện và loại bỏ vi-rút khỏi hệ thống. Sau khi cài đặt, hầu hết phần mềm diệt vi-rút sẽ tự động chạy ở chế độ nền để cung cấp khả năng bảo vệ theo thời gian thực chống lại các cuộc tấn công của vi-rút.
Phần mềm diệt phần mềm độc hại (antimalware) là loại phần mềm được phát triển để quét, xác định và loại bỏ phần mềm độc hại, còn được gọi là phần mềm gây hại, khỏi hệ thống hoặc mạng bị nhiễm.
Mục tiêu bảo vệ Tập trung bảo vệ trước virus truyền thống và các dạng phần mềm độc hại đơn giản.
Hướng đến việc phát hiện và xử lý các dạng mã độc hiện đại, phức tạp hơn như ransomware, spyware, trojan.
Phạm vi bảo vệ Chủ yếu ngăn chặn các loại virus đã biết từ trước thông qua cơ sở dữ liệu chữ ký.
Bảo vệ chống lại nhiều loại phần mềm độc hại, bao gồm cả các mối đe dọa mới chưa có trong cơ sở dữ liệu.
Phương pháp phát hiện Dựa vào cơ sở dữ liệu chữ ký virus để so khớp và phát hiện các mẫu virus đã biết.
Sử dụng phân tích hành vi và các kỹ thuật thông minh để phát hiện mã độc mà nó chưa từng thấy trước đó.
Tầm quan trọng của việc sử dụng cả Antivirus và Anti-malware để bảo vệ toàn diện
Để đạt được bảo mật tối ưu, việc sử dụng cả phần mềm antivirus và anti-malware là rất quan trọng. Các chương trình antivirus đóng vai trò là lớp bảo vệ đầu tiên vững chắc, bảo vệ hệ thống khỏi nhiều mối đe dọa thông thường như virus, trojan và adware. Chúng rất cần thiết để phát hiện và loại bỏ phần mềm độc hại đã biết dựa trên chữ ký được định nghĩa trước.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào phần mềm antivirus có thể không đủ để bảo vệ khỏi sự thay đổi liên tục của các mối đe dọa mạng. Phần mềm anti-malware cung cấp thêm một lớp bảo vệ, giúp đối phó với một loạt các mối đe dọa phức tạp và tiên tiến hơn, bao gồm sâu (worms), tấn công phishing, quảng cáo độc hại (malvertising), khai thác tiền mã hóa trái phép (cryptojacking), và botnets (mạng lưới thiết bị bị nhiễm và bị điều khiển bởi tội phạm mạng).
Khi kết hợp, các chương trình antivirus và anti-malware tạo thành một chiến lược phòng thủ đa lớp, mỗi chương trình sẽ bù đắp những lỗ hổng mà chương trình kia để lại. Cách tiếp cận này nâng cao khả năng phát hiện, chặn và loại bỏ các mối đe dọa đã biết và chưa biết, giảm thiểu nguy cơ của một cuộc tấn công mạng thành công. Bằng cách tích hợp cả hai loại bảo vệ này, bạn sẽ đảm bảo hệ thống có một tư thế phòng thủ mạnh mẽ hơn trước các chiến thuật thay đổi liên tục của tội phạm mạng.

Hệ thống phát hiện và phản hồi điểm cuối (Endpoint Detetion Response – EDR)

Giải pháp Phát hiện và Phản hồi Điểm Cuối (EDR) là một giải pháp bảo mật được thiết kế để cung cấp khả năng giám sát theo thời gian thực đối với các hoạt động của điểm cuối, giúp tổ chức phát hiện, điều tra và ứng phó với các mối đe dọa trong môi trường mạng. Giải pháp EDR theo dõi toàn bộ vòng đời của một mối đe dọa tiềm tàng từ khi xâm nhập ban đầu cho đến những hành động tiếp theo trong hệ thống cho phép hiểu rõ hơn về cách thức cuộc tấn công diễn ra.
Giải pháp EDR hoạt động bằng cách thu thập dữ liệu liên tục từ các điểm cuối, chẳng hạn như máy trạm, máy chủ và thiết bị di động, để phát hiện các hành vi khả nghi. Khi mối đe dọa được xác định, các công cụ EDR cho phép nhóm bảo mật phân tích hành vi của nó, theo dõi sự di chuyển của nó trong mạng và đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó. EDR không chỉ cung cấp các cảnh báo theo thời gian thực mà còn cung cấp thông tin bối cảnh về cuộc tấn công, bao gồm cách thức phần mềm độc hại xâm nhập vào hệ thống, nó đã lan rộng như thế nào, các hành động mà nó đang thực hiện, và những tệp hoặc hệ thống bị ảnh hưởng.
Bằng cách tập trung vào điểm cuối, các giải pháp EDR giúp cô lập và vô hiệu hóa mối đe dọa ngay từ nguồn gốc, ngăn chặn nó lan rộng ra toàn mạng và giảm thiểu thiệt hại tiềm ẩn. Các giải pháp này giúp tổ chức phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa đang hoạt động, giảm thời gian phản ứng và hạn chế tác động tổng thể của cuộc tấn công. Những thông tin mà EDR cung cấp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân gốc rễ của cuộc tấn công và cải thiện tổng thể tư thế bảo mật của tổ chức.
EDR hoạt động như nào ?
Đã hiểu về định nghĩa và tổng quát EDR làm việc như thế nào vậy giờ cần hiểu là EDR hoạt động như thế nào, gồm các bước như nào từ lúc dữ liệu được gửi và đến lúc hệ thống phản ứng với các tác nhân không mong muốn. Nhìn chung nó bao gồm bốn giai đoạn sau:
  • Thu thập dữ liệu điểm cuối liên tục: EDR liên tục thu thập dữ liệu từ các thiết bị đầu cuối, bao gồm hoạt động quy trình, hiệu suất, kết nối mạng, truyền tệp và hành vi người dùng, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu đám mây trung tâm. Hầu hết các giải pháp sử dụng agent nhẹ trên từng thiết bị, một số sử dụng tính năng hệ điều hành của thiết bị.
  • Phân tích thời gian thực và phát hiện mối đe dọa: EDR sử dụng phân tích nâng cao và học máy để phát hiện các mối đe dọa theo thời gian thực, nhận diện các mẫu và hoạt động đáng ngờ. EDR tìm kiếm hai loại chỉ báo: Chỉ báo xâm nhập (IOC) cho dấu hiệu vi phạm và Chỉ báo tấn công (IOA) liên quan đến các mối đe dọa đã biết. EDR kết hợp dữ liệu đầu cuối với thông tin từ các dịch vụ tình báo mối đe dọa để nhận diện các chỉ báo này và so sánh với các cơ sở dữ liệu như Mitre ATT&CK. EDR cũng so sánh dữ liệu thời gian thực với các dữ liệu lịch sử để phát hiện hoạt động bất thường và giảm thiểu báo động sai. Nhiều công ty tích hợp EDR với hệ thống SIEM để nâng cao khả năng phát hiện và phản hồi mối đe dọa. EDR tổng hợp kết quả vào một bảng điều khiển trung tâm, giúp nhóm bảo mật giám sát bảo mật đầu cuối và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời.
  • Phản ứng các đe dọa một cách tự động: Phản hồi mối đe dọa tự động là tính năng chính của EDR. Dựa trên các quy tắc đã định sẵn hoặc học máy, EDR có thể nhanh chóng cảnh báo nhóm bảo mật về các mối đe dọa, ưu tiên theo mức độ nghiêm trọng và tạo báo cáo theo dõi sự cố về nguồn gốc. Nó có thể tự động ngắt kết nối thiết bị khỏi mạng, dừng các quy trình độc hại, ngừng chạy tệp hoặc email đáng ngờ và kích hoạt quét antivirus trên các thiết bị khác. EDR cũng có thể tích hợp với hệ thống SOAR (Security Orchestration, Automation, and Response) để tự động hóa các kịch bản phản hồi sự cố, nâng cao hiệu quả công việc. Tính năng tự động này giúp đội ngũ bảo mật của các doanh nghiệp phản ứng nhanh hơn và giảm thiểu thiệt hại cho mạng, giúp họ làm việc hiệu quả hơn với nguồn lực hiện có.
  • Phản hồi và Khắc phục các mối đe dọa: Sau khi một mối đe dọa đã được cô lập, EDR cung cấp các công cụ để các nhà phân tích bảo mật có thể điều tra thêm về mối đe dọa đó. Ví dụ, phân tích pháp y (forensic analytics) giúp các nhà phân tích xác định nguyên nhân gốc rễ của mối đe dọa, xác định các tệp mà nó đã tác động, cũng như nhận diện các lỗ hổng mà kẻ tấn công đã khai thác để xâm nhập vào hệ thống, di chuyển trong mạng, truy cập thông tin xác thực, hoặc thực hiện các hoạt động độc hại khác. Với thông tin này, các nhà phân tích có thể sử dụng công cụ khắc phục để loại bỏ mối đe dọa. Quá trình khắc phục có thể bao gồm:
    • Xóa bỏ các tệp độc hại và làm sạch chúng khỏi các thiết bị đầu cuối.
    • Khôi phục lại cấu hình, cài đặt registry, dữ liệu và các tệp ứng dụng bị hư hại.
    • Cập nhật hoặc vá các lỗ hổng để ngăn chặn các mối đe dọa tái xuất hiện.
    • Cập nhật các quy tắc phát hiện để ngăn chặn sự tái diễn của các cuộc tấn công tương tự.
Việc khắc phục này không chỉ giúp bảo vệ các thiết bị đầu cuối mà còn đảm bảo rằng hệ thống mạng được củng cố và an toàn hơn trước các mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai. EDR còn hỗ trợ tích hợp với các hệ thống SIEM hoặc SOAR để cải thiện khả năng phát hiện và ứng phó nhanh chóng với các mối đe dọa đang diễn ra.
Hỗ trợ tìm kiếm các mối đe dọa: một hoạt động bảo mật chủ động, trong đó các nhà phân tích bảo mật tìm kiếm các mối đe dọa chưa được phát hiện hoặc chưa được xử lý bởi các công cụ an ninh mạng tự động của tổ chức. Các mối đe dọa nâng cao có thể âm thầm hoạt động trong nhiều tháng, thu thập thông tin hệ thống và thông tin xác thực để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Việc săn tìm mối đe dọa kịp thời và hiệu quả giúp giảm thời gian phát hiện và xử lý, từ đó hạn chế hoặc ngăn ngừa thiệt hại. Các chuyên gia săn tìm mối đe dọa sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, thường dựa vào cùng các nguồn dữ liệu, phân tích và khả năng tự động hóa mà EDR dùng để phát hiện, phản hồi và xử lý mối đe dọa. EDR hỗ trợ hoạt động này bằng cách cung cấp giao diện thân thiện hoặc công cụ lập trình để thực hiện các tìm kiếm, truy vấn dữ liệu, đối chiếu với thông tin tình báo về mối đe dọa và các phân tích khác. Các công cụ EDR dành riêng cho săn tìm mối đe dọa bao gồm từ ngôn ngữ lập trình đơn giản (để tự động hóa nhiệm vụ lặp lại) đến công cụ truy vấn ngôn ngữ tự nhiên, giúp tối ưu hóa quy trình điều tra.
bẢO MẬT THIẾT BỊ ĐẦU CUỐI
Quản lý thiết bị di động (Moblie Management Device – MDM)
Quản lý thiết bị di động (MDM) là phần mềm bảo mật giúp tổ chức quản lý, giám sát và bảo vệ các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, laptop và thiết bị IoT kết nối vào mạng doanh nghiệp. Mục tiêu chính của MDM là tăng cường an ninh mạng và tối ưu hóa thiết bị, cho phép nhân viên làm việc hiệu quả ngay cả khi sử dụng thiết bị cá nhân .
MDM thuộc nhóm quản lý tính di động doanh nghiệp (enterprise mobility management- EMM), bao gồm quản lý ứng dụng (mobile application management – MAM), quản lý danh tính và quyền truy cập và đồng bộ hóa dữ liệu doanh nghiệp. Khi mở rộng để kiểm soát PC và các thiết bị khác từ một nền tảng chung, nó trở thành quản lý điểm cuối hợp nhất (unified endpoint management-UEM), cung cấp cái nhìn toàn diện và công cụ quản lý cho mọi thiết bị trong tổ chức.
Tầm quan trọng của MDM
Hiện nay khi mà các thiết bị di động như laptop, smartphone, ipad đang dần trở thành phần không thể thiếu trong công việc thường ngày và càng thể hiện tầm quan trọng khi làm việc từ xa (remote) ngày càng trở nên bình thường hóa và không thể thiếu trong các doanh nghiệp và tổ chức. Các doanh nghiệp luôn cần các giải pháp di động bảo mật, bất kể họ truy nhập mạng và sử dụng thiết bị di dộng của họ ở đâu.
MDM hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ dữ liệu trên thiết bị di động, đặc biệt trong trường hợp thiết bị bị thất lạc hoặc đánh cắp, ngăn chặn thông tin cá nhân rơi vào tay kẻ xấu. Ngoài ra, MDM giảm khả năng thiết bị bị nhiễm vi-rút hoặc phần mềm độc hại mà tin tặc có thể sử dụng để truy cập và đánh cắp dữ liệu quan trọng của công ty.
Thiết bị công ty bị mất có thể gây ra rủi ro bảo mật nghiêm trọng. Với MDM, doanh nghiệp có thể dễ dàng khóa, tìm kiếm hoặc thậm chí xóa dữ liệu từ xa trên thiết bị bị thất lạc. Một số công nghệ tiên tiến còn hỗ trợ tự động hóa các quy trình này, giúp giảm thiểu rủi ro ngay khi sự cố xảy ra. Khi một thiết bị di chuyển đến những vị trí kỳ lạ hoặc đáng ngờ, chẳng hạn như khu vực có dấu hiệu bị đánh cắp, MDM cũng có thể tích hợp công nghệ hàng rào địa lý (geofencing) để kích hoạt thông báo hoặc thực hiện hành động kịp thời.
Cách MDM hoạt động
MDM gồm hai thành phần là là bảng điều khiển quản lý máy chủ MDM, được lưu trữ trong trung tâm dữ liệu của tổ chức và cho phép người quản trị cấu hình, quản lý và thực thi các chính sách. Thành phần thứ hai là tác nhân MDM tiếp nhận và triển khai các chính sách này trên thiết bị của người dùng.
Quản trị viên CNTT sử dụng bảng điều khiển quản lý trên máy chủ MDM để thiết lập và thực thi các chính sách. Các chính sách này được phân phối đến thiết bị thông qua tác nhân MDM (MDM agent), tác nhân này sẽ áp dụng chúng bằng cách sử dụng các API được tích hợp sẵn trong hệ điều hành của thiết bị. Điều này đảm bảo việc triển khai và thực thi các quy tắc được thực hiện đồng bộ trên tất cả các thiết bị được quản lý.
Các hệ thống MDM trước đây gặp phải hạn chế về khả năng mở rộng do phụ thuộc vào các hành động do thiết bị khởi xướng và thẻ SIM để quản lý. Ngược lại, các giải pháp MDM hiện đại cung cấp tính tự động hóa cao hơn, với khả năng phát hiện thiết bị mới khi chúng kết nối vào mạng công ty. Sau khi nhận diện, các thiết bị này sẽ tự động được cấu hình với các chính sách, quy định, hoặc hướng dẫn sử dụng phù hợp, giúp đơn giản hóa quy trình tích hợp và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật của tổ chức.
Kết luận
Các công ty có thể tạo ra một hệ sinh thái bảo mật hoàn chỉnh bằng cách kết hợp các biện pháp an ninh mạng và bảo mật vật lý. Phương pháp này đảm bảo rằng không có lỗ hổng nào không được bảo vệ và cho phép bạn xử lý nhiều loại mối đe dọa khác nhau. Rủi ro đối với các doanh nghiệp ngày càng tăng và thay đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói chung và đội ngũ kỹ thuật công ty có thể tạo ra một biện pháp phòng thủ linh hoạt và mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra bằng cách đầu tư vào cả bảo mật vật lý và bảo mật mạng. Tất cả những yếu tố này khiến việc áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện đối với bảo mật trở nên thiết yếu hơn là tùy chọn. Bằng cách áp dụng các biện pháp an ninh mạng và bảo mật vật lý có thể bảo vệ các doanh nghiệp khỏi mọi loại mối đe dọa và đảm bảo rằng con người, tài sản của nhân viên và công ty được an toàn.
Nguồn tham khảo bài viết:
[1] Security, P. (2024) Antivirus vs. anti-malware: Which one do I need?, Panda Security Mediacenter. Available at: https://www.pandasecurity.com/en/mediacenter/antivirus-vs-antimalware/
[2] What is antimalware?: Benefits and how does it works (2022) Xcitium Blog. Available at: https://www.xcitium.com/blog/malware/what-is-antimalware/   
[3] Ibm (2024) What is Mobile Device Management (MDM)?, IBM. Available at: https://www.ibm.com/topics/mobile-device-management
[4] Ibm (2024a) What is endpoint detection and response (EDR)?, IBM. Available at: https://www.ibm.com/topics/edr
[5] LenelS2 (no date) Physical security and cybersecurity: How they work together, LenelS2. Available at: https://www.lenels2.com/en/news/insights/Physical_and_Cybersecurity.html  
[6] The different types of CCTV security cameras explained (no date) Avigilon. Available at: https://www.avigilon.com/blog/types-of-cctv-cameras  
[7] Cảm Biến (2024) Wikipedia. Available at: https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BA%A3m_bi%E1%BA%BFn
[8] Global hi-tech company (no date) TRASSIR. Available at: https://trassir.com/news/the_future_of_cctv_and_security_trends_2025_2026_/

Bạn cần chuyên gia tư vấn giải pháp Cloud phù hợp?

Vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ với bạn trong thời gian sớm nhất!